HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG - PHỐ HÀNG THAN.

Published: 1-6-2024
   Hà Nội ba sáu phố phường với hàng loạt con phố gắn với chữ “Hàng”, mà tên gọi mỗi phố lại gắn với những câu chuyện khác nhau. Nằm trong khu phố “Hàng”, phố Hàng Than ngày nay nổi tiếng với đặc sản bánh cốm, bánh su sê và hơn một thập kỷ nay phố còn trứ danh với món caramen, kem dừa, thạch dừa,... Tuy nhiên, niềm tự hào của người dân trên phố ấy lại không phải bởi các món đặc sản mà bởi lịch sử, bởi hùng khí đất kinh kỳ.
Phố Hàng Than   
   Tên phố Hàng Than bắt nguồn từ việc nơi đây xưa kia tập trung những nhà bán than, than hoa và than tàu. Trước đó phố này có nghề nung vôi, thời mà sông Cái còn ở sát chỗ chân đê ngày nay và phố một bến sông, thuận tiện cho việc cung ứng đá cho các lò vôi.

Thời thuộc địa người Pháp đặt tên phố là “rue su Charbon” – dịch từ tên “Hàng Than”. Năm 1945 phố lấy lại tên tiếng Việt và giữ nguyên tên này sau các cuộc đổi tên ở Hà Nội giai đoạn sau đó.
   Hàng Than là một phố cổ của Hà Nội đã tồn tại từ thời chưa có bãi bồi Phúc Xá, khi đó sông Hồng chảy sát chân con đê Yên Phụ, nơi hàng đoàn thuyền buồm nâu đỗ san sát, phu khuân vác còng lưng đổ lên bờ những sọt than hoa đen. Than đốt ở trên rừng miền ngược, nhiều vết cưa ngang cây còn rõ nét các vân gỗ và kẽ nứt như hình mạng nhện.

Phố Hàng Than


   Đầu phố Hàng Than vốn thuộc đất phường Giang Tân (tức “Bến sông”), lại từng có các tên Hà Tân (Bến sông lớn) và Thạch Khối (Khối đá) bởi vì thời ấy dân nơi này có nghề nung đá làm vôi xây nhà và vôi để ǎn trầu. Trong sách “Dư địa chí”, phần nói về đất Thượng Kinh tức Hà Nội, Nguyễn Trãi có chép “Phường Hà Tân nung vôi”. Đoạn giữa phố thuộc địa phận thôn Hoè Nhai. Thôn này cùng với thôn Thạch Khối đều thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận. Tới giữa thế kỷ 19, thôn Hoè Nhai đổi tên thành Giai Cảnh.
   Trên phố Hàng Than có ba công trình tâm linh cùng thờ Uy Linh Lang, tương truyền là con trai của vua Lý Thánh Tông, có công dẹp giặc Tống, chống giặc Nguyên. Công trạng của Ngài được ghi chép khác nhau trong các nguồn tài liệu khác nhau. Các công trình đó là đình Thạch Khối thượng, đình Thạch Khối hạ và đền Giai Cảnh.
   Ngoài ra, giữa phố có ngôi đền Tứ Vị, là nơi thờ vọng Tứ vị Hồng nương, tương truyền sau khi trẫm mình ngoài biển thường hiển linh cứu giúp dân chài. Cùng với đó, giữa phố hiện vẫn còn hai di tích của thôn Yên Thuận xưa, đó là đền Yên Thuận Thượng ở số nhà 25 Hàng Than và đền Yên Thuận Hạ ở số nhà 39. Ở góc phố Phan Huy Ích giáp phố Quán Thánh còn có đền Yên Thành thờ Vua Bà Lý Chiêu Hoàng.

Phố Hàng Than


   Nếu như Hà Nội được mệnh danh là mảnh đất nhiều chùa chiền thì trên một con phố linh thiêng như Hàng Than lại càng không thể thiếu vắng một ngôi chùa. Tọa lạc tại số 19 Hàng Than, ngôi chùa Hòe Nhai là một di tích cực kỳ quan trọng không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà còn trong lịch sử dân tộc. Chùa Hòe Nhai còn có tên là chùa Hòa Giai, hay tên chữ Hán là Hồng Phúc Tự, di tích nổi tiếng nhất của phố Hàng Than. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý theo cấu trúc chùa chữ Công với 2 tòa bái đường 5 gian, chính điện 3 gian, nhà tổ 7 gian. Phía trước là chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang. Ngôi chùa cổ với diện tích khoảng 3.000m2 đã trải qua nhiều lần trùng tu, song, vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, đặc biệt là các tấm bia có ý nghĩa vô cùng quan trọng với lịch sử.

Phố Hàng Than


   Phố Hàng Than nay có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn hỏi, đặc biệt nổi tiếng nhờ bánh cốm, thứ đặc sản khó mà vắng mặt trong lễ cầu hôn. Các thương hiệu Nguyên Ninh, An Ninh, Việt Ninh, Nguyên Bảo, Nguyên Linh, Bảo Minh, Nguyễn Minh… từ đây toả đi bốn phương trên những chiếc hộp vuông xinh xinh in hình chiếc bánh cốm cổ truyền bọc lá chuối tươi được buộc bằng lạt nhuộm hồng. Mở hộp ra thì thấy hiện lên sau làn giấy gói trong suốt một sắc cốm xanh màu lúa nếp non. Nhân bánh bằng hạt sen vàng nhạt và đậu xanh, điểm vài sợi cơm dừa trắng. Tất cả đều như muốn mang hương đồng gió nội mùa thu của những làng Vòng, làng Lủ xưa kia về với thực khách thời đại công nghiệp hoá.

Phố Hàng Than


   Có lẽ, nếu là một người con Hà Thành, hoặc là một người sống lâu năm trên đất kinh kỳ, ngoài những địa danh tâm linh nổi tiếng, khi nghĩ đến phố Hàng Than, bạn sẽ không thể nào không nghĩ tới “Bốt Hàng Đậu”. Đó là một tháp nước lớn được người Pháp xây bằng đá vào cuối thế kỉ 19, giữa bùng binh ngã sáu Hàng Đậu - Hàng Giấy - Hàng Cót - Quán Thánh - Phan Đình Phùng. Theo lời kể của những người đi trước, dưới tháp nước ấy từng là nơi chứa thuốc súng.
   Hà Nội đang khoảng trời Thu tuyệt đẹp, nếu được ngồi trên phố Hàng Than thưởng thức món caramen nổi tiếng và lắng nghe những câu chuyện hào hùng về phố khi xưa hay lặng mình cảm nhận không khí linh thiêng mà cổ kính khi dạo bước trên con phố lịch sử thì sẽ thật tuyệt vời.

Phố Hàng Than