Hà Nội 36 phố phường - Phố Hàng Gà, phố được gọi là Hàng Gà vì ở đây có những nhà chuyên buôn bán gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, chim bồ câu... tập trung ở bên trên chùa Thái Cam, lối ra chợ Đông Thành, Cầu Đông. Những nhà bán gia cầm không mở cửa hàng mà bán hàng luôn ở trong nhà, với những chiếc lồng to nhốt khoảng năm sáu chục con. Khách quen thường đến nhà mua.
Phố Hàng Gà bắt đầu từ phố Hàng Cót đến phố Hàng Điếu, chỉ dài khoảng 200m. Đầu thế kỷ XIX, nơi đây là một khu đất hoang, có một số gia đình đến dựng nhà ở. Năm 1822, người dân làng Tân Lập, Tân Khai lập nên ngôi đình của làng ở đây. Ngôi đình này nằm trong khuôn viên số 16 phố Hàng Gà. Trong đình có một giếng nước rất trong, lại ngọt nên đặt tên là Đình Thái Cam (rất ngọt). Vì nơi này có nhiều người thường xuyên đem gà, vịt đến đây buôn bán nên dần dần có tên là phố Hàng Gà – Cầu Đông, để phân biệt với dốc Hàng Gà gần phố Huế.
Phố Hàng Gà tọa lạc trên nền đất của thôn Tân Lập - Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Di tích thuộc thôn này hiện nay chỉ còn lại đình Tân Khai ở số nhà 44 phố Hàng Vải (cổng nhìn ra ngã tư Hàng Gà - Hàng Vải) và một ngôi chùa liền kề (cổng bên ở số 16c Hàng Gà) mà dân chúng vẫn quen gọi là chùa Thái Cam, được xây vào năm 1822.
Thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội đã đặt tên phố là “Rue de Tien Tsin” để kỷ niệm hiệp ước Thiên Tân ký giữa họ và triều đình nhà Thanh năm 1885. Tuy nhiên dân Việt ta vẫn quen gọi là phố Hàng Gà Cửa Đông. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, tên phố Hàng Gà được thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai quyết định chính thức sử dụng từ năm 1945.
Thời kỳ đầu nhà Nguyễn, các giấy tờ hành chính đều viết là phố Tân Khai vì quả thật con đường đó đi qua đất của thôn Tân Khai. Nhưng dân chúng lại quen tách riêng làm đôi: đoạn giáp phố Bát Đàn và Cửa Đông gọi là phố Thuốc Nam, còn đoạn bên trên nối tiếp với phố Hàng Cót gọi là phố Hàng Gà vì hồi đó từng có nhiều nhà bán gà vịt ở đây.
Thời Pháp thuộc, phố Hàng Gà và Thuốc Nam được gọi chung là phố Thiên Tân hay còn gọi là phố Tiên Sinh (Rue Tien Tsin), để kỷ niệm hiệp ước Thiên Tân ký giữa Pháp và nhà Thanh năm 1885. Nhưng nhân dân vẫn quen gọi đây là phố Hàng Gà - Cửa Đông, vì nơi đây nhiều người thường đem gia cầm đến bán trước Đông Môn (Cửa Đông) và để phân biệt với Dốc Hàng Gà (chỗ chợ Hôm, đầu phố Huế ngày nay).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng chính thức lấy tên phố là phố Hàng Gà.
Chùa Tân Khai được xây dựng năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822) và cũng là năm thành lập thôn Tân Khai. Nhưng từ lâu, nhân dân thường gọi là chùa Thái Cam vì ở đây có một cái giếng cổ nước rất thơm ngọt, gọi là giếng Thái Cam, nên chùa gọi là chùa Thái Cam.
Chùa Thái Cam đã nhiều lần bị phá hủy do hỏa hoạn vào các năm 1828, 1837; đặc biệt là trong những ngày đầu kháng chiến chống Thực dân Pháp, chùa đã bị hư hỏng nặng, chỉ có tòa nhà Thờ Mẫu còn giữ nguyên được quy mô kiến trúc từ năm Bảo Đại thứ 8. Kiến trúc hiện nay của chùa là kết quả của lần trùng tu vào năm 1954.
Giờ đây, phố Hàng Gà đã mang một diện mạo mới, và là một trong 10 phố cổ có mặt hàng chuyên doanh. Suốt dọc phố có đến gần 30 cửa hàng, tủ kính san sát, bày đủ các loại thiếp mời cưới thật đẹp và hấp dẫn. Những biển hiệu Gia Huy, Yến Tường, Việt Tiến… cho thấy sự phong phú, năng động trong cơ chế thị trường. Nhân viên cửa hàng phần đông là những thiếu nữ trẻ đẹp, nhanh nhẹn, thông minh, sử dụng máy vi tính thành thạo sãn sàng tạo mẫu mã thiếp cưới phù hợp với sở thích của “thượng đế”.
Từ một phố cổ lao động lam lũ, Hàng Gà thật sự đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Người dân trong phố đã nâng cao chất lượng sinh hoạt hàng ngày, hòa nhịp cùng với diện mạo khang trang, lịch sự của một phố kinh doanh năng động.