HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG - PHỐ BÁT ĐÀN.

Cập nhật vào: 13-6-2024
Hà Nội 36 phố phường - Đoạn phố Bát Đàn thuộc đất thôn Nhân Nội cũ mới thực là phố bán hàng đồ đàn, một nghề đã có sẵn ở đây từ xưa. Vào khoảng những năm hai mươi, ba mười thế kỷ 20 trở đi, chỗ phố đó có thêm một cửa hàng làm đồ da như va li, cặp sách, túi xách, đồ du lịch. Và ở đầu phố giáp Hàng Thiếc có mấy nhà bán thừng, dây gai, võng, chão bện bằng đây và gai.
 
Phố Bát Đàn
   Phố Bát Đàn trước đây chia làm hai đoạn. Đoạn mới hơn, được xây dựng từ khoảng năm 1920, nằm ở phía tây trên đất thôn Tân Khai. Ở vị trí cuối phố, giáp với các phố Phùng Hưng và Đường Thành là khu đất cũ của ngôi trường tiểu học Cửa Đông đã bị dỡ bỏ, nay là khách sạn Phùng Hưng (nhà số 71).


   Đoạn phía đông nằm trên đất thôn Nhân Nội, vốn là một con phố có từ xưa, chuyên bán các loại bát, đĩa, ấm, chén, vại, chum, lộc bình bằng đồ đàn (tức là đồ gốm), nên thành tên. Những hộ kinh doanh đồ đàn phần lớn là dân gốc ở hai làng Phượng Dực và Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, nay thuộc TP Hà Nội). Vuông góc với đoạn phố này là phố Bát Sứ, thời trước chuyên bán đồ sứ, người Pháp gọi là Rue des Tasses (“Phố Hàng Chén”).

Phố Bát Đàn

   Phố Bát Đàn dài 248m, nay thuộc 2 phường Hàng Bồ và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng tây-bắc. Phố chạy theo hướng đông-tây, nối phố Hàng Bồ tại ngã ba Thuốc Bắc – Hàng Thiếc, đi qua các ngã phố Bát Sứ, Hàng Điếu – Hàng Gà, Đường Thành – Nhà Hỏa rồi đổ vào phố Phùng Hưng.

   Phố Bát Đàn ở trên địa phận vốn của các thôn Nhân Nội và Tân Khai, đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Thời Pháp thuộc, người Pháp đổi tên là Rue Vieille des Tasses (“Phố cũ Hàng Chén”). Từ năm 1945, phố lại được trở về tên gốc.

Phố Bát Đàn

   Dấu vết của thôn Nhân Nội là ngôi đình cũ có tên là Nhân Nội, ở nhà số 33, thờ thần Bạch Mã. Đến năm 1945, đình được lấy làm trụ sở của phố Bát Đàn. Còn đền làng Nhân Nội thì nay là số nhà 84A Hàng Bồ.

  Trước năm 1946, Bát Đàn có khá nhiều nhà cổ, cao ít nhất là hai tầng, cửa sổ nhìn ra đường, bên trong nhà có một đến hai sân, giếng trời, bể nước, gác nhà cầu, gác sân thượng.
   Thời kỳ này, người dân chỉ sinh hoạt, buôn bán tấp nập từ ngã tư Hàng Bồ, Hàng Bút, Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Điếu. Còn từ ngã ba Hàng Điếu vào đến Đường Thành là nơi ở của người Nhật và người Hoa.
   Vào những năm 40, ở phố xuất hiện vài cửa hiệu làm và bán kẹo của người Hoa. Vì ở gần Cổng Thành nên phố Bát Đàn có những cửa hàng của người Nhật, người Hoa và người Việt mở phục vụ binh lính Pháp.
   Trong chiến sự cuối năm 1946 đầu 1947, phố Bát Đàn bị tàn phá nghiêm trọng, nhà cửa bị đổ hoặc bị hư hại nặng. Cả phố chỉ còn sót lại có bốn nóc nhà là nguyên vẹn: nhà số 3, 5, 7 và 11. Đến thời tạm chiếm, hai mặt đường phố mới được khôi phục lại./.

   Ngày nay phố Bát Đàn trở thành một nơi buôn bán tấp nập và sang trọng của khu phố cổ. Gần đây có một cửa hàng đồ gốm dát vàng mở cửa. Những ai đến thăm đều choáng ngợp bởi vẻ đẹp và sự kỳ công của những sản phẩm đắt giá này. Không chỉ lư hương, chén, đĩa, bình gốm mà cả các hoành phi, câu đối, tượng Phật cũng được dát một lớp vàng vô cùng mỏng.
Phố Bát Đàn

   Số 49 Bát Đàn là một quán nhỏ, bàn ghế từ nửa thế kỷ nay vẫn thế, nhưng nổi tiếng với món phở gia truyền. Ăn ở đó có mấy cái thú, bánh phở ngon, thịt bò tái tươi rói, thơm ngậy, nước dùng ngọt vị xương hầm, đúng kiểu phở Hà Nội truyền thống. Thực khách đến đây phải xếp hàng, trả tiền trước rồi phải tự tay bê bát phở nóng bỏng về chỗ ngồi. Nếu bạn không muốn xếp hàng, lại thích một ly café buổi sáng, hãy sang quán xung quanh rồi nhờ người phục vụ mua hộ với giá nhỉnh hơn.
Phố Bát Đàn


   Hàng chè nổi tiếng trên phố Bát, Không chỉ là một hàng chè nổi tiếng bởi những món ngon trứ danh, hàng chè này còn gây ấn tượng đặc biệt bởi tuổi đời lên tới gần 1 thế kỷ, đã gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân Hà thành, chè Bà Thìn.
Phố Bát Đàn