Hà Nội 36 phố phường - Phố Đinh Tiên Hoàng, lấy tên của vị hoàng đế-người có công dẹp “loạn 12 sứ quân”, hợp nhất giang sơn. Như là một sự trùng hợp lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, đã từng nhiều lần qua tuyến phố thiêng này đón xuân với nhân dân và thăm những người lao động tại Bưu điện và Nhà máy Đèn Bờ Hồ…
Đây vốn là một con phố có từ lâu đời, đoạn đầu là đất thôn Thăng Bình rồi đến thôn Hương Minh (tên nôm là thôn Hàng Chè), đoạn giữa là thôn Tả Vọng và đoạn cuối là thôn Hậu Lâu, tất cả đều thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ (tới giữa thế kỷ XIX, Hậu Lâu đổi ra là Cựu Lâu, và tổng Hữu Túc đổi ra là tổng Đông Thọ). Ngôi nhà số 9 vốn là đình thôn Thăng Bình. Đoạn giữa phố Hồ Hoàn Kiếm, nối Đinh Tiên Hoàng vốn có đình Hương Mính. Đây chính là "phố Hàng Chè" mà Đại Nam nhất thống chí đã ghi trong mục "Chợ và phố" của tỉnh Hà Nội hồi thế kỷ XIX.
Phố Đinh Tiên Hoàng chỉ dài khoảng 900m, khởi đầu từ ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay, đi qua các trung tâm hành chính như: Trụ sở UBND TP Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Điện Lực Hà Nội, qua các di tích: chùa Báo Ân, quảng trường Lý Thái Tổ, đền Bà Kiệu và kết thúc ở quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục (nơi gặp nau của các phố: Lê Thái Tổ - Cầu Gỗ - Hàng Gai – Hàng Đào). Thời Pháp, phố có tên là đại lộ Francis Garnier. Năm 1945, Đốc lý Hà Nội - bác sĩ Trần Văn Lai đã đổi tên Francis Garnier thành Đinh Tiên Hoàng để ghi nhớ công lao vị Hoàng đế có công chấm dứt nạn cát cứ, thống nhất đất nước hồi thế kỷ thứ X – Đinh Bộ Lĩnh.
Hà Nội có nhiều con phố, mỗi nơi ít nhiều đều mang dấu ấn lịch sử khi khởi dựng hình thành. Dù qua bao năm tháng, dấu tích xưa vẫn hình thành nên hồn phố - không gian văn hóa để lại cho mai sau. Một trong những con phố gắn với không gian văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến là phố Đinh Tiên Hoàng.
Sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đã bắt tay ngay vào việc xây dựng một số đường phố mới. Phố Đinh Tiên Hoàng là một trong phố được mở đầu tiên, có quyết định xây dựng từ năm 1884 với tên gọi ban đầu là Boulevard autour du Petit Lac (đại lộ quanh hồ Gươm), nhưng đến tháng 4/1885 mới được phác thảo. Năm 1888 Hội đồng Thành phố bỏ phiếu tán thành chi 220.000 francs để sớm hoàn thành ngay đại lộ này nhưng do một vài chủ đất ở khu vực này đã yêu cầu bồi thường quá cao trong khi Thành phố trưng dựng nên đã mất nhiều thời gian đàm phán.
Tương truyền, đức Lý Thái Tổ sau khi định đô ở Thăng Long vãn cảnh nơi đây thấy một hồ nước trong xanh, có ngôi chùa cổ giữa hồ tạo phong cảnh nên thơ, bèn đặt tên ngôi đền đã có tại đây là Ngọc Tượng. Đến đời nhà Trần, đền đổi tên là Ngọc Sơn. Vào thời nhà Lê, khoảng năm 1428, sau khi lên ngôi, Thái tổ Lê Lợi cùng đoàn thuyền ngự đi từ sông Hồng, rẽ vào hồ, trả gươm cho Rùa thần. Từ đó hồ Lục Thủy trên đất thôn Tả Vọng được đặt tên là Hoàn Kiếm, hay còn gọi hồ Gươm.
Năm 1888 người Pháp thành lập thành phố Hà Nội và bắt đầu mở rộng ra phía Đông Nam với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố lớn ở Việt Nam, hội đủ các tiêu chí một đô thị châu Âu để xứng đáng là thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Do đó khi quy hoạch xây khu phố mới với kiến trúc châu Âu bên cạnh khu phố cổ, họ xác định khu vực hồ Hoàn Kiếm là trung tâm Hà Nội.
Bên cạnh Hồ Gươm xanh tươi bốn mùa với Tháp Rùa cổ kính, dọc phố còn có những điểm hấp dẫn du khách bao gồm: Tháp Hòa Phong (di tích chùa Báo Ân); Vườn hoa và tượng đài Lý Thái Tổ; Đền Bà Kiệu và tượng đài Cảm tử quân: số 59 Đinh Tiên Hoàng; Đền Ngọc Sơn với Tháp Bút, Đài Nghiên và cầu Thê Húc; Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Ngày nay, Đinh Tiên Hoàng là một trong những đại lộ sạch đẹp và hiện đại nhất giữa trung tâm Hà Nội. Nơi đây có vai trò thật đặc biệt trong các hoạt động chính trị, thể thao và văn hoá của dân tộc diễn ra thường xuyên ngay trên tuyến đường hoặc ở vườn hoa Lý Thái Tổ, khu tượng đài Cảm tử quân và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.