Hà Nội 36 phố phường - Phố có tên là phố Hàng Giấy vì nơi đây xưa kia bày bán các loại giấy do thợ ở làng Bưởi, làng Cót làm ra như giấy lệnh, giấy sắc, giấy bản, giấy moi, giấy bổi, giấy quyến, giấy tàu bạch... Mặt trước các tòa nhà cổ vẫn còn những chữ đắp nổi tên các cửa hiệu buôn giấy nổi tiếng trước kia.
Phố Hàng Giấy dài 219m, rộng12m. Từ phố Hàng Đậu đến ngã tư phố Đồng Xuân - Hàng Khoai chạy qua dưới cầu cạn đường tàu hỏa.
Tên phố Hàng Giấy có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là “rue du Papier”, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Giấy, những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Phố Hàng Giấy nguyên là một đường đê từ góc đông bắc thành cũ đi xuống, bên phía đông con đường đó là đất của thôn Huyền Thiên, bên phía tây là đất thôn Tân Khai. Phố có tên Hàng Giấy vì từ xưa nơi đây từng bày bán các loại giấy do thợ ở làng Bưởi, làng Cót ven sông Tô Lịch làm ra như giấy lệnh, giấy sắc, giấy bản, giấy moi, giấy bổi, giấy quyến, giấy tàu bạch...
Thời nhà Lê, đoạn đầu phố thuộc phường Hòe Nhai, đoạn cuối phố thuộc phường Đồng Xuân, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương. Thời nhà Nguyễn, đoạn đầu phố Hàng Giấy thông sang phố Hàng Cót nằm trên bờ sông Tô Lịch và thuộc làng Đồng Thuận. Đoạn giữa phố và cuối phố vẫn thuộc phường Đồng Xuân.
Trước năm 1915, phố chưa có vỉa hè, mặt đường trải gạch vụn, không có cây cối, nhà xây chưa theo vạch thẳng hàng. Hồi đó nơi đây vẫn là một con đường giáp ngoại ô, còn nhiều nhà lá chen lẫn với nhà tường gạch lợp tôn, chưa có nhiều mái ngói. Nhà gác càng ít, nếu có thì cũng xây theo kiểu cũ, lối chồng diêm. Đầu phố, hồi chiến tranh 1914—1918 có một bốt cảnh sát chỗ gần tháp nước, dân ta quen gọi là Sở Cẩm Hàng Đậu, tuy nó ở phố Hàng Giấy.
Cuối phố, tại số nhà 83 xưa kia tọa lạc đình Đồng Xuân thờ thần Bạch Mã. Bưu ảnh in năm 1925 còn cho thấy rõ ngôi đình này, nay thì đình đã bị lấn chiếm hoàn toàn và biến thành các cửa hiệu. Giữa phố có ngôi nhà số 42 là nơi sinh trưởng của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1880—1936), người đi tiên phong trong việc viết và in báo bằng chữ quốc ngữ.
Chiến sự cuối năm 1946 đầu năm 1947, phố Hàng Giấy ở vào vị trí địa đầu Liên khu I, những nhà có gác cao đều được chiến sĩ ta dùng làm nơi quan sát và phục bên trong bắn tỉa lên Cầu Sắt nơi có lính pháo đóng giữ. Địch đã nã pháo và ném bom vào phố này làm đổ nát nhiều nhà cửa. Đến thời kỳ Thực dân Pháp tạm chiếm (năm 1948-1954), những nhà bị tàn phá mới được xây lại.
Những năm đầu thế kỷ 20, người trong phố chủ yếu là những gia đình công chức nhỏ hoặc nhân viên sở tư, sống nền nếp, kín đáo, rất ít cửa hàng khang trang. Có một số cửa hàng bán giấy bút, giấy bản, bút lông, một số nhà làm kẹo bột, vài ba cửa hàng thuốc Đông y.
Dần dần, phố Hàng Giấy trở thành một phố kinh doanh các hàng tạp hóa. Duy chỉ có ngôi nhà số 58 của gia đình một công chức tòa Đốc lý họ Phạm là vẫn giữ được nghề, đó là Hiệu ích Ký, vừa bán giấy, bán sách tây, vừa mở nhà in sách, nhà xuất bản. Hiệu Ích Ký đã góp phần phổ biến trong dân gian lúc bấy giờ các truyện cổ Phạm Công, Phan Trần, Nữ tú tài in bằng chữ quốc ngữ.
Ngày nay phố Hàng Giấy tập trung nhiều trụ sở ngân hàng và nhà may thời trang. Dân phố không chỉ bán giấy mà bán đủ các loại hàng khác như bánh đậu xanh, giầy dép, ba lô, cặp, túi xách, ví đầm, điện thoại v.v.. Quanh gầm cầu xe lửa còn có một dãy hàng thịt bò khô, bánh mỳ, bún và các món ăn bình dân. Nhưng tiếng chuông xe điện leng keng đã mất và rạp Bắc Đô cũng không chiếu phim nữa, hình như chuyển thành một nhà băng tư nhân.