HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG - PHỐ CỔ HÀNG BÔNG.

Cập nhật vào: 9-6-2024
“Hà Nội 36 phố phường” còn là một cách gọi ước lệ khu vực đô thị cổ, nằm bên trong và bên ngoài cả khu phố cổ hiện nay. Đặc biệt, phố Hàng Bông là một trong những khu làm say đắm những tâm hồn hoài cổ. Phố Hàng Bông cách Hồ Gươm 300m về hướng tây. Từ ngã tư Hàng Bông đến ô Cửa Nam, dài một cây số. Phố giáp với 14 phố và 3 ngõ lớn (Tạm Thương, Hội Vũ, Cấm Chỉ).
Phồ Hàng Bông

   Hàng Bông thực ra mới chỉ có khoảng dăm chục năm nay, dùng để gọi gộp nhiều phố. Trước đó, phố này chia ra nhiều đoạn phố khác nhau với những tên gọi riêng. Đoạn đầu, ngay chỗ giáp phố Hàng Gai đến đầu phố Hàng Mành có tên là phố Hàng Hài vì thời trước ở đây sản xuất và bày bán các loại hài. Hài thật thì đế bằng gỗ vuông, mũi bằng lụa thêu kim tuyến, hài giả thì bằng giấy ngũ sắc, trang kim, dùng vào việc thờ tự. Đây chính là phần đất của thôn Kim Bát thượng. Nối tiếp Hàng Hài là phố Hàng Bông Đệm, từ phố Hàng Mành đến đầu phố Hàng Da, là nơi bật bông và bán các loại chăn đệm. Đây là địa phận thôn Kim Bát hạ. Cả hai thôn Kim Bát này đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương (tới giữa thế kỷ XIX, tổng này đổi ra là Thuận Mỹ và hai thôn kia hợp với thôn Cổ Vũ thượng thành ra thôn Kim Cổ). Tiếp đó là đoạn phố Hàng Bông Cửa Quyền, là nơi có cây đa cũng gọi cây đa Cô Quyền. Sau ngôi miếu đó bị sét đánh đổ và cây đa bị đốn đi nhưng vẫn để lại cái tên Cô Quyền hoặc Cửa Quyền cho đoạn phố này. Đó là phần đất thôn Thương Môn Đông hạ, tổng Tiền Nghiêm. Sau thôn này hợp với thôn Anh Mỹ thành thôn Đông Mỹ, và tổng này cũng đổi ra tổng Vĩnh Xương. Nối với Hàng Bông Cửa Quyền là Hàng Bông Lờ tức đoạn từ ngõ Hội Vũ tới đầu phố Cửa Nam. Gọi như vậy vì ở đây là nơi chuyên nhuộm màu xanh do đó có tên là phố Hàng Lam. Đây chính là phần đất thôn Yên Trung hạ, cũng thuộc tổng Tiền Nghiêm (tức sau là Vĩnh Xương).

Phồ Hàng Bông

 
  Đoạn đầu đi vào phường Hàng Bông, đi từ phố Hàng Gai đến Hàng Mành qua đất thôn Cổ Vũ, xưa kia gọi là phố Hàng Hài hay Hàng Bông Hài bởi vì từng có nhiều cửa hiệu bán giày hài, nón, đồ thờ bằng giấy.
   Đoạn thứ hai vào phường khá dài, từ phố Hàng Mành đến Hàng Da đều ở trên đất thôn cũ Kim Bát Hạ; xưa gọi là phố Hàng Bông Đệm vì từng có nhiều nhà làm nghề bật bông hoặc buôn bán mền bông, chăn đệm.
   Đoạn thứ ba dài hơn một chút đi từ ngã tư Hàng Da – Quán Sứ đến ngõ Hội Vũ qua đất của ba thôn Đông Mỹ, Thương Môn, Đông Hạ; xưa gọi là phố Hàng Bông Cây Đa Cửa Quyền bởi vì từng có cây đa to trước cửa ngôi miếu thờ Cô Quyền.
   Đoạn thứ tư ngắn, đi từ ngõ Hội Vũ đến phố Phùng Hưng khi xưa gọi là phố Hàng Bông Lờ, bởi vì người dân ở đây từng bán các loại đơm, lờ để bắt cá. Xưa hơn nữa thì nơi đây chuyên nhuộm vải xanh nên còn có tên là phố Hàng Lam.
   Đoạn cuối cùng ngắn hơn từ phố Phùng Hưng qua phố Cửa Nam, ở trên đất thôn cũ Đông Mỹ; xưa gọi là phố Hàng Bông Thợ Nhuộm hay Hàng Bông Nhuộm, bởi vì dân sở tại người gốc làng Huê Cầu và Liêu Xá (thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vốn có nghề nhuộm thâm các loại vải lụa.

Phồ Hàng Bông


   Hàng Bôngthực ra còn là dãy phố gắn bó nhiều với văn hóa. Trong những năm đầu thời Pháp thuộc, thực dân đã lập ra một trong số vài trường tiểu học đầu tiên ở số nhà 145, sân chơi mở ra ngõ Hội Vũ. Cũng ở đây có nhiều nhà in chữ quốc ngữ đầu tiên của Hà Nội. Nhà in Nghiêm Hàm số 58, nhà in Phúc Vĩnh Thành số 63 (sau đổi là in Trung Bắc), sau Lê Văn Phúc tách khỏi Phúc Vĩnh Thành lập riêng nhà in ở 18 rồi sau lại về 80 Hàng Gai, nhà in Tân Dân số 93, nhà in Mạc Đình Tư số 136 (sau chuyển cho con rể là Lê Văn Tân).

Phồ Hàng Bông

   Phố Hàng Bông còn có nhiều duyên với nhà báo. Từ 1913 có báo Đông Dương tạp chí ở số 63, rồi Tân Thanh tạp chí ở 26, Văn học tạp chí ở 195, đặc biệt ở 93 Hàng Bông từ 1932 đến 1945 từng là nơi ra lò rất nhiều báo chí: Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Tao Đàn, ích Hữu, Truyền bá ...

Phồ Hàng Bông



   Đối với lịch sử cách mạng, phố Hàng Bông có ngôi nhà liên quan tới những ngày đầu thành lập Đảng bộ Đảng cộng sản Đông Dương ở Hà Nội. Đó là số nhà 177, tại đây và đầu tháng 6-1930, Ban chấp hành Đảng bộ chính thức của Thành phố đã thành lập và cử ông Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư Thành ủy.

Phồ Hàng Bông

   Sau những bộn bề thường nhật, người ta còn một chốn đi về để hoài niệm, cảm nhận những giá trị truyền thống được lưu giữ và phố Hàng Bông chính là một nơi như thế, một trong những điểm tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua ở thủ đô Hà Nội.