HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG - PHỐ HÀNG ĐẬU.

Published: 8-6-2024
Hà Nội 36 phố phường - Phố Hàng Đậu có từ trước khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội. Đoạn đường này có lối rẽ vào các phố Nguyễn Thiệp, Hàng Giấy cho nên trở thành một nút giao thông nối bến Nứa ven sông Hồng với các chợ ở khu vực phía bắc của tòa thành cũ. Đoạn cuối phố rẽ vào phố Hàng Cót thì nối các phường dân cư đông đúc ở mé Cửa Bắc với Cửa Đông, do đó phố Hàng Đậu được coi như đường ranh giới giữa hai khu vực.
Phố Hàng Đậu

   Tên phố Hàng Đậu xuất phát từ truyền thống đặt tên theo mặt hàng chuyên bán tại con phố đó của người Hà Nội. Vào những ngày chợ phiên, người dân vùng ngoại thành thường gồng gánh các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu nành... đến bán tại con phố này. Đến thời Pháp thuộc, con phố được gọi là Rue des Graines (nghĩa là “phố các hạt”), và được coi là ranh giới giữa khu Cửa Bắc với Cửa Đông. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phố được khôi phục lại tên cũ. 


Phố Hàng Đậu
   
   Tuy nhiên, phố Hàng Đậu không chỉ bán các loại đậu. Sau Chiến tranh thế giới thứ I (1914 - 1918), giao thông phát triển nên số lượng ô tô ngày càng tăng. Với vị trí “cửa ngõ” của Hà Nội, phố Hàng Đậu được biết đến với nhiều cửa hàng sửa chữa và bán phụ tùng, săm lốp ô tô, xe đạp. Không ít gia đình trên phố trở nên giàu có nhờ nghề này hay kinh doanh đồ gỗ, thuốc tây...

Phố Hàng Đậu


   Ngày nay, trên phố Hàng Đậu vẫn còn những dấu tích của một số công trình cổ như đình - đền Nghĩa Lập ở số nhà 32, hai ngôi trường tiểu học tư thục ở số nhà 20 và số nhà 39. Ngôi trường ở số 39 phố Hàng Đậu mang tên Cúc Hiên, do một sĩ phu yêu nước là Tiến sĩ Lê Đình Duyên (1819 - 1878) lập nên. Ngoài ra, một số công trình tuy không nằm trên phố này nhưng vẫn mang tên Hàng Đậu như vườn hoa Hàng Đậu (vườn hoa Vạn Xuân), bốt Hàng Đậu...

Phố Hàng Đậu

THÁP NƯỚC HÀNG ĐẬU
   Tại ngã sáu phố Hàng Than—Quán Thánh—Phan Đình Phùng—Hàng Cót—Hàng Giấy—Hàng Đậu có một tháp nước (chateau-d’eau) với 54 cửa sổ hẹp và các chấn song sắt to. Công trình cao hơn 25m, xây bằng xi măng cốt thép và đá hộc dỡ ra từ thành Hà Nội. Nó hay bị nhầm tên với đồn cảnh sát ở góc Hàng Giấy tức “bốt Hàng Đậu". Vườn hoa Vạn Xuân ở phố Quán Thánh bên cạnh cũng bị gọi là "vườn hoa Hàng Đậu.

Phố Hàng Đậu


   Nó từng là một trong những tháp thuộc hệ thống cung cấp nước đầu tiên cho đô thị Hà Nội do người Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX. Khi hệ thống được hiện đại hoá thì nó bị bỏ hoang. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, toà tháp này được trùng tu và trở thành một điểm nhấn trên phố Hàng Đậu với tầm nhìn thẳng từ cầu Long Biên về phía khu thành cổ.