HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG - PHỐ HÀNG HÒM.

Cập nhật vào: 7-6-2024
“Hà Nội - 36 phố phường” là cụm từ phổ biến đối với người dân Thủ đô nhằm nói lên nét đặc trưng của vùng đất “kinh kỳ kẻ chợ” với “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”. Trong thực tế, ngay từ thời Trần, khu vực hành chính của Hà Nội có đến 61 phường, tuy nhiên sang đến thời Lê thì chỉ còn lại 36 phường và tổ chức hành chính này đã không biến động trong suốt gần ba thế kỷ. Mang đậm dấu ấn của một Hà Nội cổ kính, bình dị, khu phố cổ luôn là điểm đến thu hút đối với các du khách gần xa. Là một phần linh hồn của khu phố cổ, phố Hàng Hòm dù chỉ là con phố nhỏ nhưng vẫn khiến người ta phải đặt chân đến ít nhất một lần.
Phố Hàng Hòm

   Phố Hàng Hòm có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là Rue des Cerceuils. Ngày 22/1/1891, có một đám cháy lớn xảy ra ở phố này và đã thiêu cháy các phố Rue des Bambous (phố Hàng Tre), Rue des Radeaux (phố Hàng Mành), Rue des Sceaux (phố Hàng Thùng), Rue de la Saumure (phố Hàng Mắm), Rue des Changeurs (phố Hàng Bạc), Rue du Pont en Bois (phố Cầu Gỗ) và Rue de la Chaux (phố Hàng Vôi). Có 208 nhà bị thiêu hủy trong đó có 4 ngôi chùa, một chủ cho thuê xe kéo tay là người Hoa bị cháy mất 60 xe trong vụ cháy ngày 22/1/1891. Sau phố này đổi tên thành Rue des Caisses, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Hòm, các lần đổi tên tiếp theo vào năm 1949, 1951 vẫn giữ nguyên tên phố Hàng Hòm.

Phố Hàng Hòm

Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.
   Khoảng giữa thế kỷ XIX, một số người dân làng Hà Vĩ là một làng có nghề làm gỗ sơn thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) ra đây mở hiệu làm hòm, rương. Ban đầu làm những hòm sơn đen đựng quần áo, những tráp sơn đen đựng giấy tờ… Về sau mới làm những hòm gỗ kiểu mới như vẫn còn thấy hiện nay ở phố này. Do đó mà thành tên phố. Dân Hà Vĩ ra đây đã lập một ngồi đình – gọi là đình Hà Vĩ - ở số nhà 11, thờ ông tổ nghề sơn. Đó là ông Trần Lư, người làng Bình Vọng, cũng thuộc huyện Thường Tín, sinh năm 1470, đỗ tiến sĩ năm 1502 (theo sách “Toàn Việt thi lục” thì ông mất năm 1540). Trần Lư đã dạy nghề này cho dân làng Bình Vọng, từ đây nghề sơn tỏa ra các làng quanh vùng: Duyên Trường, Hạ Thái, Hà Vĩ…

Phố Hàng Hòm


   Đình Hà Vĩ 11 Hàng Hòm được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, do những người dân làng Hà Vĩ (phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông; nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) lập để thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư (1470 - 1527 hoặc 1540), người làng Bình Vọng (xã Văn Bình). Ông đỗ tiến sĩ năm 1502 và là một hiến sát sứ có công học hỏi các bí quyết vẽ sơn son thếp vàng từ Trung Quốc về dạy cho dân làng và các xã xung quanh như Hạ Thái, Duyên Tường... Các học trò của ông sau lập nên các phường thợ và tỏa đi khắp nơi. Tại Hà Nội, họ lập nghiệp tại phố Hàng Hòm, mở một số cửa hiệu làm và bán hòm gỗ, tráp đựng quần áo... Về sau, họ nhận sơn hoành phi, câu đối, cây đèn, ngai bệ, khám thờ. Hiện nay, trên phố Hàng Hòm vẫn còn một số cửa hàng bán sơn, chổi quét sơn.

Phố Hàng Hòm


   Tuy là con phố tí hon, thế nhưng phố Hàng Hòm lại mang đậm dấu ấn của Hà Nội xưa với những ngôi nhà cũ kĩ, phủ lên mình màu rêu xám của thời gian, có những ngôi nhà tuổi đời lên tới vài trăm năm, trên tường có cả những vết nứt, vết đổ theo năm tháng. Đặc biệt, phải kể đến hoạt động làm đồ gỗ sơn vẫn được gìn giữ và phát triển đến tận ngày nay.

Phố Hàng Hòm

   Phố Hàng Hòm cũng là một trong những tuyến phố ẩm thực của đất Hà Thành. Ban ngày, đây vốn là phố chuyên bán sơn, phụ liệu ngành gỗ, nhưng tối đến, nơi này lại là điểm dừng chân của nhiều tín đồ ẩm thực. Món nổi tiếng nhất ở đây phải kể đến phở gà khi có đến 3, 4 quán cùng bán.