HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG - PHỐ HÀNG MẮM.

Cập nhật vào: 31-5-2024
Hà Nội 36 phố phường - Phố hàng Mắm ngày trước chuyên bán các thứ mắm cá và các thuỷ sản khác và trứng. Thời Pháp thuộc, phố đã có tên là Hàng nước Mắm (Rue de la Saumure). Tên Hàng Mắm được đặt chính thức từ sau 1945.
hàng mắm

Lịch sử hình thành.
   Phố Hàng Mắm là con phố dài khoảng 190 mét, kéo dài từ đường Trần Quang Khải đến ngã ba Hàng Bạc – Hàng Bè, ở phía Đông khu phố cổ Hà Nội.
Xưa kia, phố Hàng Mắm gồm hai phố. Đoạn phía Đông là phố Hàng Trứng, nằm trên đất thôn Thanh Yên, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương cũ, là nơi có nhiều cửa hàng buôn bán trứng. Đoạn phía Tây là phố Hàng Mắm (cũ), thuộc thôn Mỹ Lộc, cùng tổng Phúc Lâm, có nhiều cửa hàng bán mắm

   Hai phố Hàng Trứng – Hàng Mắm được ngăn cách bởi cửa ô Mỹ Lộc và bức tường bằng đất, mà vị trí có lẽ lòng đường Nguyễn Hữu Huân bây giờ. Bên trong cửa ô là phố Hàng Mắm, bên ngoài là phố Hàng Trứng
   Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp phá bỏ cửa ô Mỹ Lộc và bức tường cũ, sáp nhập hai phố làm một và nối thông với đường Quai Guillemoto (bến Guillemoto) mà dân ta hồi đó vẫn gọi là đường Bờ Sông do được xây dọc đê sông Hồng (phố Trần Quang Khải bây giờ).

Hàng mắm


   Chính quyền thuộc địa đặt tên con phố mới sáp nhập là rue de la Saumure, nghĩa là “phố hàng ướp mặn”. Có lẽ lúc đó người Pháp đã bối rối khi tìm cách chuyển dịch từ “Mắm” sang tiếng Pháp. Tên gọi phố Hàng Mắm được chính thức sử dụng lại từ năm 1945

Về phố Hàng Mắm.
   Phố Hàng Mắm bây giờ là tên một phố từ phố Bờ Sông vào đến phố Hàng Bạc; trước đó con đường này là hai phố khác nhau, một ở trong và một ở ngoài cửa ô Ưu Nghĩa, có cổng xây canh gác ban đêm. Bên trong cửa ô là phố Hàng Mắm thuộc thôn ưu Nghĩa, tổng Hữu Túc; bên ngoài cửa ô là phố Hàng Trứng thuộc thôn Thanh Yên tổng Tả Túc

   Nhà cửa trong phố Hàng Mắm đa số kiểu cổ như các nhà ở những phố cổ của Hà Nội trong khu vực này. Tuy nhiên vụ cháy lớn đầu năm 1891 đã thiêu huỷ toàn bộ nhà cửa trong phố; quang cảnh nhà cổ sau này ta thấy cũng chỉ là có sau vụ hoả hoạn đó, vì về sau chỉ có số ít nhà mới làm hoặc cải tạo sửa chữa lại mặt đằng trước cho hợp thời. Nói chung phố Hàng Mắm vẫn còn có thể giữ được hình ảnh của phố cổ. Ngay cả trong thời kỳ có chiến sự ở Hà Nội 1946 - 1947, nhà cửa phố Hàng Mắm cũng không bị thiệt hại mấy.
   Hàng Mắm còn có cửa hàng bán đồ đá: nhà Ba ký (hiệu Lê Trung Ký) ở góc phố số 24 là nhà bán đồ đá lâu đời và phát đạt nhất.
   Năm 1884, bác sĩ Hocquard mô tả: “Cửa hàng bán mắm, vịt ướp, cá khô treo trên trần nhà. Mùi nước mắm, mắm tôm nồng nặc”; thì 50 năm sau, năm 1934 Bonifaci mô tả: “Phố Hàng Mắm bốc mùi khó chịu, trong nhà bán tôm cá khô. Cửa hàng mắm xen lẫn cửa hàng bán vại sành, tiêu sành, bia đá, đá kè chân cột, đá mài, đá bọt... Cửa hàng nào đằng trước cũng treo một lồng chim họa mi”.

Hàng mắm

   Hiện nay ở đây không còn bán mắm mà mặt hàng chủ yếu là bia mộ, đồ sành, đồ đất. Đến với Hà Nội, du khách hãy bỏ ra hẳn 1 ngày để dạo quanh những con phố nơi đây, để hòa mình vào với không khí kẻ chợ, hiểu thêm bản sắc, văn hóa con người Việt Nam.