HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG - PHỐ HÀNG NGANG.

Cập nhật vào: 30-5-2024
Hà Nội 36 phố phường - Phố Hàng Ngang là một tuyến phố nằm ở trục trung tâm phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất phường Diên Hưng, tổng Hữu Túc (sau đổi là tổng Đông Thọ), huyện Thọ Xương cũ. Thực ra, theo Từ điển Hà Nội địa danh của tác giả Bùi Thiết, do ở hai đầu phố trước đây có các bức tường chắn ngang, ở giữa là cổng gỗ, ban ngày mở ra, ban đêm đóng lại nên gọi là Hàng Ngang. Đây vốn là nơi buôn bán của người Hoa gốc Quảng Đông, họ làm cổng cho cả phố để đảm bảo an ninh. Thời Pháp thuộc, phố có tên là rue des Cantonnais (phố của người Quảng Đông).
 
hàng ngang

Lịch Sử Hình Thành

   Phố Hàng Ngang có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là “rue des Cantonnais” tức là “phố Người Quảng Đông” năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Ngang như dân chúng vẫn quen gọi. Các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.
   Từ đời Lê, người Trung Quốc được phép cư trú ở Thăng Long. Họ ở tập trung tại một số phố, theo hàng bang (ví dụ bang Quảng Đông thì ở phố Hàng Buồm, phố Hàng Ngang… bang Phúc Kiến thì ở phố Lãn Ông, phố Cửa Đông…). Phố Hàng Ngang phần lớn là Hoa kiều gốc Quảng Đông, mà tỉnh này lại có tên cổ là Việt, cho nên các sách địa chí cũ gọi phố này là phố Việt Đông.

hàng ngang

   Còn cái tên Hàng Ngang thì chưa thể khẳng định lai lịch của nó. Một thuyết cắt nghĩa rằng thời xưa, ở hai đầu phố có dựng hai cai cổng chắn ngang đường, tối đến là đóng lại, có phu canh gác, do đó mà thành tên.

hàng ngang


Phố Hàng Ngang có gì đặc biệt?
   Ở phố này có một ngôi nhà đã gắn liền với lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc. Đó là ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Trước cửa hiệu có gắn một tấm bảng đá nổi bật dòng chữ vàng: “Trong ngôi nhà này, tại một phòng gác nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Nguyên là ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi rực rỡ. Ngày 22 tiếp đó, tại số nhà 48 này, đồng chí Trường Chinh cùng với Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn, ra chỉ thị cho các nơi tiếp tục giành chính quyền và bàn việc đón Bác Hồ về Hà Nội.
   Ngày 24, Bác Hồ về tới thôn Phú Xá và tối đó Bác lên nghỉ ở thôn Phú Gia (nay đều thuộc xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội) nơi mà Thường vụ Trung ương Đảng đã đặt trụ sở bí mật từ 1941.

Hàng Ngang

   Ngày 25, Bác về nội thành, ở tại ngôi nhà 48 này là nhà của vợ chồng nhà thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô – Hoàng Minh Hồ, tham gia Việt Minh. Bác và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương ở tại tầng gác hai. Tại đây Bác đã chủ tọa cuộc họp đầu tiên của Thường vụ tại Hà Nội, đã quyết định một số vấn đề quan trọng: tổ chức mít tinh để Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân và thảo bản Tuyên ngôn độc lập,  một văn kiện có tầm quan trọng lớn lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta.

Hàng ngang