HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG - PHỐ HÀNG QUẠT.

Cập nhật vào: 29-5-2024
Hà Nội 36 phố phường - Phố Hàng Quạt dài chừng 200m, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 200m về hướng tây-bắc. Đầu phía đông giáp phố Lương Văn Can, cuối phố giáp ngã ba Hàng Nón – Hàng Hòm, ở giữa giáp phố Tố Tịch, cả ba ngả này đều thông ra phố Hàng Gai.
 
   Đoạn đầu phố xưa cũng gọi là Hàng Quạt, có những cửa hàng bán quạt của gia đình tự sản xuất và của cả những nơi khác chở đến nữa. Nghề làm quạt do một số người dân gốc làng Đào Xá, tên nôm là Đầu Quạt (tỉnh Hưng Yên) đem tới. Họ cư trú ở đây, làm quạt, lập đình thờ vị tổ nghề họ Đào.

Hàng Quạt Xưa


   Đoạn giữa phố Hàng Quạt vốn có tên Hàng Đàn. Vì xưa kia nhiều nhà làm và bán các loại đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị, hồ… Hồi đó gần như không có cửa hàng lớn, mà chỉ có những gia đình thợ thủ công sống về nghề mộc.
Từ đầu thế kỷ 20, chủ yếu các hộ dân làm và bán những đồ gỗ chạm như long đình, kiệu bát cống, song loan… Rồi họ kinh doanh cả đồ gỗ thông thường như bàn, ghế, tủ, chạn… nhưng phổ biến nhất vẫn là đồ thờ cúng, tế tự.

Phố Hàng Quạt

   Sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đặt tên phố là “rue des Eventails”, dịch đúng nghĩa tiếng Việt. Từ đầu thế kỷ 20 chủ yếu các hộ dân ở đây làm và bán những đồ gỗ chạm như long đình, kiệu bát cống, song loan… Rồi họ kinh doanh cả đồ gỗ thông thường như bàn, ghế, tủ, chạn… nhưng phổ biến nhất vẫn là đồ thờ cúng, tế tự.

Phố hàng Quạt


   Đoạn cuối phố Hàng Quạt ngày nay, từ đền Dâu đến ngã ba Hàng Hòm – Hàng Nón, trước gọi là phố Mã Vĩ (tức “đuôi ngựa”). Phố này chuyên làm và bán các loại áo mũ triều phục, trang phục tuồng, chèo, lễ hội, cờ, phướn, trướng, lọng và một số đạo cụ sân khấu làm bằng lông đuôi ngựa … Từ cuối thế kỷ 20 chỉ một vài trong số những nghề trên là còn có khách hàng; nhiều hộ dân đã chuyển sang kinh doanh đồ thờ cúng và vật liệu trang trí như các loại sơn, giấy dán tường v.v..

Phố hàng Quạt


   Nhìn chung ngày nay ở phố Hàng Quạt không còn bán quạt và đàn nữa. Người dân các nơi chủ yếu đến đây để mua các mặt hàng khác như bàn thờ lớn nhỏ, tranh thêu, chữ, câu đối, cờ, trướng được dùng vào việc hiếu, hỷ, chúc thọ, khen thưởng.

Phố hàng Quạt


   Phố Hàng Quạt, với bề dày lịch sử và sự phát triển không ngừng, đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh phố cổ Hà Nội. Những giá trị văn hóa và lịch sử quý báu của phố không chỉ được thể hiện qua các hoạt động kinh doanh nhộn nhịp mà còn qua nếp sống và văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Hàng Quạt tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, góp phần làm nên vẻ đẹp và sự đa dạng của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Phố hàng Quạt