Hà Nội 36 phố phường - Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay, Lãn Ông dường như là con phố duy nhất trong 36 phố phường Hà Nội còn giữ gìn và duy trì được “lửa” nghề truyền thống theo đúng tên gọi. Cũng với những đặc trưng riêng có, phố Lãn Ông đã trở thành thương hiệu chợ thuốc đông y nổi tiếng trong lòng người dân Thủ đô và là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách nước ngoài.
Phố Lãn Ông (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) với chiều dài chỉ khoảng 180m nhưng lại lưu giữ bề dày lịch sử văn hoá và truyền thống lâu đời. Theo di tích lịch sử văn hoá Hà Nội, Phố Lãn Ông vốn thuộc đất thôn Hậu Đông Hoa Môn. Khoảng giữa thế kỷ 19, từ cuối đời vua Minh Mệnh đến đầu đời vua Thiệu Trị, thôn này hợp với thôn Đông Hoa Môn và Đông Hoa Nội Tự trở thành thôn Đức Môn. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thời Nguyễn, nơi đây đã tập trung buôn bán các mặt hàng thiếc và đồng được khai thác từ mỏ quặng Tụ Long, tỉnh Cao Bằng.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, đặt tên phố này là “rue de Fou-Kien” (phố Phúc Kiến) bởi phần đông dân cư là người gốc Trung Quốc, gốc tỉnh Phúc Kiến đến ngụ cư tại đây. Họ được tổ chức thành “bang” và có nhà Hội quán Phúc Kiến ở số nhà 40, xây từ năm 1817, sau chuyển thành trụ sở trường tiểu học Hồng Hà. Tới những năm đầu thế kỷ 20, phần lớn dân quanh đây thay vì buôn bán mặt hàng thiếc và đồng đã mở hiệu bán thuốc bắc.
Thuở ban đầu, cũng chỉ có một, hai cửa hàng nhỏ bán thuốc buôn lại từ các cửa hàng lớn. Sau theo thời gian, các cửa hàng ngày càng tấp nập nên người kinh doanh mặt hàng này cũng đông theo dần. Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số người gốc Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến. Tuy nhiên, sau đó đã có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố này. Họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện…
Sau năm 1946 tên phố mới đổi thành Lãn Ông và từ đó tiếp tục được dùng cho đến nay. Tên phố bắt nguồn từ biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông của Lê Hữu Trác, một vị danh y nổi tiếng có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, người kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư. Đến năm 1979, những gia đình người Trung Quốc lần lượt trở về nước, các gia đình còn lại tiếp tục giữ nghề kinh doanh Đông Nam dược - loại thuốc truyền thống của người Việt cho đến ngày nay.
Lãn Ông cũng là một con phố hiếm hoi trong suốt hàng trăm năm qua vẫn thoang thoảng mùi thơm đặc trưng của các loại thảo dược. Người làm nghề thuốc ở con phố đa phần không qua trường lớp đào tạo bên ngoài mà thường lấy bí kíp gia đình làm cốt yếu. Có lẽ bởi tính cha truyền con nối ấy chính là lý do giúp nghề thuốc ở con phố Lãn Ông này không bị phai mờ đi như các con phố nghề khác.
Trò chuyện với nhiều người dân phố Lãn Ông, họ vẫn nhớ như in cái không khí sôi động của con phố này hồi cuối những năm 1980, thời mà nơi đây được coi là trung tâm buôn bán các mặt hàng Đông Nam dược với số lượng lớn, khách buôn khắp cả nước đổ về đây cất hàng.
Tuy không còn là thời hoàng kim như trước nhưng những người dân nơi đây vẫn duy trì nghề, giữ lại truyền thống của gia đình. Không chỉ riêng bà Mai hay anh Khánh mà bất kỳ người dân nào làm nghề thuốc trên phố Lãn Ông cũng đều tâm niệm, nếu có tâm vẫn sống được bằng nghề.
Ngoài là một phố nghề nổi tiếng, Lãn Ông còn nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước bởi những ngôi nhà được bảo tồn theo quy chuẩn mà còn nổi tiếng bởi những công trình tín ngưỡng với kiến trúc cổ, độc đáo.
Điển hình như Hội quán Phúc Kiến - một công trình tín ngưỡng, nơi hội họp của bà con Hoa kiều trước kia. Hội quán được xây dựng năm 1817 với lối kiến trúc độc đáo gồm tòa phương đình, tam quan, sân, hậu cung... Sau khi hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo năm 2015, Hội quán đã trở thành một công trình điển hình cho việc trùng tu các di tích trong khu vực phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung.
Với những nét đẹp văn hóa cùng bề dày truyền thống của một phố nghề Thăng Long - Hà Nội, phố Lãn Ông ngày càng khẳng định sự riêng biệt, độc đáo của mình. Đó chính là tiền đề làm nên sức hấp dẫn cho khu phố cổ - địa chỉ du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến với Hà Nội.