HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG – NÉT ĐẸP VĂN HOÁ NGƯỜI HÀ THÀNH.

Cập nhật vào: 15-5-2024

   Một Hà Nội 36 phố phường đầy náo nhiệt, hào hùng của lịch sử ngàn năm văn hiến Hà Nội mang trong mình những nét đẹp không thể lẫn với bất cứ nơi nào. Với hơn 1000 năm văn hiến, từ thuở là kinh thành Thăng Long cho tới nay Hà Nội vẫn luôn là trung tâm văn hóa lớn nhất nước với các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể. Vùng đất lành vốn đã sản sinh ra nền văn hóa dân gian với nhiều truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, những vị anh hùng, danh nhân được dân gian ca ngợi và những lễ hội dân gian mang đậm màu sắc lịch sử....


HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG – NÉT ĐẸP VĂN HOÁ NGƯỜI HÀ THÀNH.

“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội.
Hà Nội của ta thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình”

 
          Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến đã luôn là nơi linh thiêng để hướng về, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước trong phần lớn chiều dài lịch sử. Trong tiết trời thu Hà Nội và hướng về ngày giải phóng thủ đô 10 tháng 10, mỗi người dân thủ đô đều rất đỗi tự hào khi nhớ về lịch sử đẹp đẽ, hào hùng của Hà Nội xưa và sự năng động, phát triển của một Hà Nội nay đầy sức sống.

HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG – NÉT ĐẸP VĂN HOÁ NGƯỜI HÀ THÀNH - Khu nhà xưa
    Thăng Long- Hà Nội không chỉ có thế “rồng cuộn, hổ ngồi” mà còn là nơi hội tụ tinh hoa, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam: cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Lịch sử  hơn 1000 năm đã xây dựng nên truyền thống của một Thăng Long - Hà Nội anh hùng với những chiến công oanh liệt như Đông Bộ Đầu, Chương Dương - Hàm Tử, Ngọc Hồi - Đống Đa, Điện Biên Phủ trên không... Đó là những bản hùng ca, hun đúc nên hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, để Thủ đô mãi trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc.

    Khu phố cổ - nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội ba sáu phố phường” thủa xưa. Khu “36 phố phường” Hà Nội  nằm ở phía đông bắc thành cổ trong gần 10 thế kỷ đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm giữ nền độc lập cho nước nhà. Nơi đây, không chỉ đã từng là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hoá đa dạng; văn hoá ẩm thực phong phú …Những tên gọi Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Hàng Chuối…không giản đơn chỉ là tên phố mà ẩn sau mỗi tên gọi là một nghề thủ công đặc sắc, một hoài niệm của lịch sử. Hàng Bài xưa là nơi chuyên làm ra những Bài lá, Tam cúc, Tổ tôm…phục vụ thú vui chơi giải trí bình dị không thể thiếu trong mỗi gia đình, làng quê những ngày vui Tết hay hội hè, đình đám. Tên gọi Hàng Bạc gợi về bao thế hệ những người thợ tài hoa chạm vàng, đậu bạc làm sang trọng cho cung vua, phủ chúa, làm tôn thêm vẻ đẹp kiêu sa của các cô gái Hà Thành…

          Trong sách vở và còn lưu truyền đến tận ngày nay, Hà Nội vẫn giữ nét đẹp tinh khôi của những tà áo dài bay trong gió, quyện cùng với hương sen hồ tây những ngày hè, hương cốm Vòng những ngày thu để người và cảnh sách thiên nhiên tạo ra những nét riêng của Hà Nội. Hà Nội xưa là những tuyến phố không quá ồn ào, tấp nập. Thay vào đó là sự lặng lẽ, êm đềm với một cuộc sống dịu dàng, thân thuộc, tạo cho con người ta cảm giác yên bình đến lạ kì. Một trong những nét văn hóa xưa của người Hà Nội là sự lễ phép, khiêm nhường và tôn trọng. Chất hào hoa, thanh lịch thể hiện ở sự tài hoa, tao nhã, khéo léo và sành điệu trong cuộc sống; tính chất phóng khoáng, lịch thiệp, quân tử, tinh tế, coi trọng cái đẹp và luôn sáng tạo trong cuộc sống. Tính hào hoa, phong nhã biểu hiện hằng ngày trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, ứng xử và cả trong văn hóa ẩm thực.
Ngày nay, Hà Nội đã trải qua một chặng đường dài phát triển, hình hài của một Thủ đô hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực cũng đang dần hiện ra. Nhưng chưa khi nào người Hà Nội quên được truyền thống đáng nhớ trong quá khứ, tự hào về lịch sử để thêm tự tin bước vào tương lai.